[SKINCARE] Cách lựa chọn và sử dụng kem chống nắng

0 Comments

Có rất nhiều bạn hỏi mình về vấn đề này nên mình đã quyết định trước tiên sẽ viết một bài về kem chống nắng <3
1.    Vì sao chúng ta phải sử dụng kem chống nắng?




Trước hết, chống nắng không phải là chống chọi với cái gay gắt và nóng bỏng của nắng hè mà là chống lại những tia cực tím mắt thường không thể nhìn thấy được, cụ thể là:
-  Tia UVA: Chuyên gia trong việc làm da bạn lão hóa nhăn nheo, đen đi và bonus thêm 1 tỉ cái khuyết diểm như mụn, tàn nhang, vết thâm,...
 - Tia UVB: Gây cháy nắng, bỏng rát và có thể gây ung thư da.
Vấn đề nan giải là những tia này luôn có mặt trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta bất kể nắng mưa hay râm mát, ngoài đường hay trong nhà bên cạnh các loại cửa kính hoặc kể cả khi chúng ta đã bọc kín cơ thể lại bằng khẩu trang, áo chống nắng, váy chống nắng, găng tay v.v… thì vẫn sẽ bị các tia này tấn công như thường. Cho nên, việc sở hữu 1 lọ kem chống nắng là rất, cực kì và vô cùng quan trọng, vừa để đẹp, vừa là để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.
2.     Lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp:
a)      Chỉ số SPF và PA:
-   SPF (Sun Protection Factor): Là khả năng chống tia UVB, theo lý thuyết thì SPF càng cao thời gian bảo vệ da ở dưới nắng sẽ càng lâu, mỗi SPF bảo vệ da được khoảng 10 phút.  Tuy nhiên, chúng ta không nhất thiết cứ phải mua loại kem chống nắng có chỉ số SPF thật cao mới tốt bởi vì thực tế từ SPF 30 trở lên thì khả năng bảo vệ da trước tia UVB của sản phẩm không chênh lệch nhiều. Lời khuyên của tớ là dùng sản phẩm có SPF 35 trở đi đã là cực ổn.


-   PA (Protection Grade of UVA) là khả năng chống tia UVA. Có 3 mức là PA+, PA++, PA+++ tương ứng với mức độ chống tia UVA trong 4h, 8h và 12h.
=> Khi mua kem chống nắng bạn nên chọn loại kem chống nắng có cả 2 chỉ số SPF và PA để có thể bảo vệ da một cách tốt nhất nhé.

b)     Tính chất của kem chống nắng:
Kem chống nắng hóa học:
 - Ưu điểm: Thấm nhanh vào da, không làm da bạn bóng dầu và trắng xóa.
 - Nhược điểm: Sau 2h thì bạn nên bôi lại, và phải chờ 15-20 phút để kem ngấm vào da trước khi ra nắng.
Kem chống nắng vật lý:
 - Ưu điểm: Lành da, ít gây kích ứng và bền dưới nắng.
 - Nhược điểm: Nếu thoa đủ lượng thì da bạn sẽ lâm vào tình trạng trắng như tuyết, trông cực kì hư cấu và không đẹp mắt chút nào.
 => Phân biệt: Nếu có 2 thành phần Zinc oxide  Titanium dioxide thì đó là kem chống nắng vật lý, nếu không thì sẽ là kem chống nắng hóa học.

c)      Lựa chọn kem chống nắng phù hợp với da: 
-          Da nhạy cảm: Bạn cần tránh thành phần oxybenzone và PABA, tức là nên nói không với kem chống nắng hóa học
-          Da khô: Chọn kem chống nắng có chứa chất dưỡng ẩm cho da là vô cùng cần thiết, nên thoa thêm kem dưỡng trước khi dùng kem chống nắng.
-          Da dầu: Luôn ghi nhớ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) trên bao bì, dùng các loại kem chống nắng dạng gel, nước hoặc dạng xịt để tránh gây bí da. Nếu không có vấn đề về mụn hoặc da quá nhạy cảm thì kem chống nắng hóa học kết cấu mỏng nhẹ, thấm hút nhanh là sự lựa chọn phù hợp với bạn.
-          Da mụn: Từ khóa dành cho bạn là “Non-Comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông). Tránh xa các loại kem chứa chất dẫn xuất, mùi hương, oxybenzone, cồn và PABA (kem chống nắng hóa học). Nên chon loại kem kết cấu kem nhẹ và không chứa dầu.

d)     Lựa chọn theo mục đích sử dụng đặc biệt:
-  Dùng kem chống nắng khi đi bơi, đi biển: Chọn những loại kem chống nắng có ghi “Water Resistant” hoặc “Water Proof” trên bao bì. Những loại này tác dụng tối đa từ 40’ đến 1h, sau đó bạn cần thoa lại để giữ hiệu quả của kem chống nắng.
- Dùng kem chống nắng khi makeup: Bạn nên dùng kem chống nắng vật lý để khỏi phải bôi lại sau 2h vì bôi lại kem chống nắng lên trên lớp trang điểm trông rất kỳ. Bạn cũng không thể cứ 2h lại tẩy trang để bôi kem chống nắng rồi lại makeup được. Nếu da bạn dầu thì dùng giấy thấm dầu rồi phủ lại phấn có SPF15-20 là ổn còn nếu da bình thường thì quá ok rồi.

 3.    Cách sử dụng kem chống nắng:

- Lắc lọ kem chống nắng trước khi bôi để các thành phần được trộn nhuyễn vào nhau
- Bôi kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà 20p
- Lúc nào cũng vậy, da phải sạch sẽ thì bôi kem nó mới thấm, trước khi dưỡng da và bôi kem chống nắng hãy rửa mặt thật sạch đã nhé
- Dùng kem chống nắng sau bước dưỡng da và trước khi trang điểm (nếu makeup thì phải chờ kem chống nắng khô rồi mới makeup nhé)
- Phải sử dụng một lượng đủ, kem chống nắng mới có tác dụng. Một lượng kem chống nắng đổ ra bằng đồng xu 2k cho mình khuôn mặt, chừng ấy nữa cho cổ (nếu bạn chỉ bôi kem ở mặt mà không bôi ở cổ thì 1 thời gian sau là nếm trái đắng liền với 2 màu da =)))) Nếu đi biển hoặc phơi mình dưới nắng thì đổ ra sẽ một lượng vừa lòng bàn tay người lớn để bôi lên toàn cơ thể nhé.

- Bôi lại kem chống nắng sau 2 tiếng nếu bạn dùng kem chống nắng hóa học trong trường hợp phải đi nắng nhiều. Còn như mình hầu như ngồi nhà và cực ít khi di chuyển ngoài đường thì mình không bôi lại kem chống nắng.
- Xoa đều và vỗ nhẹ trên da cho kem thẩm thấu nhanh. Thực ra với 1 lượng kem chống nắng khá là khủng bố thì mình thường chia làm 2, 3 lượt. Bôi lên mặt, vỗ nhẹ chờ kem ngấm vào da từng lớp một thay vì úp cả 1 lượng kem chống nắng lớn lên da làm cho da nghẹt thở.
Ten ten! Trước khi kết thúc bài viết này mình muốn gửi gắm 1 lần nữa tới các bạn: Đừng bao giờ bỏ quên kem chống nắng. Hãy tập thói quen mỗi sớm mai thức dậy rửa mặt dưỡng da xong là bôi kem chống nắng liền. Chỉ 5p cho một làn da khỏe đẹp và được bảo vệ toàn diện, tại sao lại không nhỉ~  



Bonus: Động lực cho nàng nào lười với kem chống nắng =)))



Có thể bạn sẽ thích